Bệnh quai bị làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản
Viêm buồng trứng có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, một số trường hợp dẫn đến vô sinh.
Quai bị là căn bệnh lành tính, biểu hiện lâm sàng rất rõ ràng nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của cả hai giới.
Triệu chứng
Young Woman Holding the Side of Her Face in Pain
Theo tài liệu nghiên cứu được đăng tải trên website chính thức của bệnh viện Nhiệt đới trung ương, quai bị do virus paramyxovirus gây nên. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, xuất hiện trên toàn thế giới và chỉ có ở người.
Bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ và lứa tuổi vị thành niên, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ thấp hơn. Quai bị do virus lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi.
Căn bênh này có đặc điểm dịch tễ rõ ràng, thường phát vào mùa xuân, nhất là trong khoảng thời gian tháng 4-5. Khi bị nhiễm bệnh, virus nhân lên trong khoang tỵ hầu và hạch bạch huyết. Virus tăng cao trong huyết thanh khoảng 12-15 ngày sau nhiễm và lan ra các cơ quan khác. Thời gian lây là từ 6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.
Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm dần trong vòng một tuần. Tuyến mang tai có thể sưng một hay hai bên.
Tuy nhiên có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết.
Những biến chứng ảnh hưởng đến nòi giống
Bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp, nhưng thường nặng và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh sản.
Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Người bị viêm tinh hoàn do quai bị còn có thể dẫn đến nhồi máu phổi. Đây là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô.
Viêm buồng trứng có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, một số trường hợp dẫn đến vô sinh.
Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
Điều trị và phòng bệnh
Đối với mọi bệnh nhân, cách ly 2 tuần kể từ lúc phát hiện, vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol.
Trường hợp viêm tinh hoàn cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Dùng corticoid đúng liều, quan trọng nhất là dùng liều lớn khi khởi đầu (60mg Prednisolon), sau đó giảm dần trong 7-10 ngày. Phẫu thuật giải áp khi tinh hoàn bị chèn ép nhiều.
Để chủ động phòng bệnh cách tốt nhất là tiêm chủng vaccine. Ngoài ra, có thể phòng bệnh quai bị thụ động với globulin miễn dịch, dùng cho người tiếp xúc với virus quai bị mà chưa được tiêm vaccine trước đó.
Leave a Reply